image banner
Những điều cần biết về An toàn lao động, vệ sinh lao động

Những điều cần biết về An toàn lao động, vệ sinh lao động

An toàn lao động, vệ sinh lao động là gì?

An toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), trước là Bảo hộ lao động, liên quan đến an toàn, sức khỏe và phúc lợi người tham gia vào công việc hoặc việc làm.

Theo Luật An toàn vệ sinh lao động:

An toàn lao động (ATLĐ) là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.

Vệ sinh lao động (VSLĐ) là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.

Vậy an toàn lao động không tốt thì gây ra tai nạn lao động, vệ sinh lao động không tốt thì gây ra bệnh nghề nghiệp.

Các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động

1. Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

2. Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.

3. Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

Các biện pháp phòng hộ bảo vệ người lao động chống lại rủi ro

- Người sử dụng lao động phải trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cần thiết cho người lao động trong quá trình làm việc để ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

- Người sử dụng lao động phải tổ chức Khám sức khỏe cho người lao động trước khi tuyển dụng lao động, và phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (đối với người lao động bình thường ít nhất một lần trong một năm, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại. người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi ít nhất 6 tháng một lần).

- Trước khi nhận việc, người lao động phải được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động ít nhất trong công việc sẽ làm và phải được kiểm tra, huấn luyện bổ sung trong quá trình lao động. Những nhân viên quản lý cũng phải được huấn luyện và hướng dẫn về những quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động ít nhất trong ngành sản xuất kinh doanh đang hoạt động.

- Người lao động không phân biệt giới tính, tuổi tác, nơi làm việc khi làm công việc có yếu tố nguy hại vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép thì được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.

- Các biện pháp khác: quy định về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phải có các phương án dự phòng xử lý sự cố, cấp cứu; vệ sinh sau khi làm việc.

Trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động

- Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xây dựng chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; quản lý về an toàn lao động, vệ sinh lao động; thanh tra an toàn lao động, vệ sinh lao động

- Công đoàn với chức năng đại diện cho người lao động tham gia với cơ quan Nhà nước xây dựng pháp luật về bảo hộ lao động, tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, thỏa thuận với người sử dụng lao động các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động.

- Người lao động và người sử dụng lao động phải thực hiện quyền và nghĩa vụ về an toàn lao động và vệ sinh lao động theo Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 và hướng dẫn tại nghị định số 39/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, thông tư 19/2016/TT-BYT Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động

Trong thực tế, một số người lao động, người sử dụng lao động chưa thấy hết ý nghĩa của việc thực hiện nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nên đã xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hậu quả gây thương tật, suy giảm sức khỏe, tử vong trong quá trình lao động.  

Theo số liệu Bộ lao động thương binh và xã hội, năm 2019 trên toàn quốc đã xảy ra 8.150 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.327 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), trong đó số vụ TNLĐ chết người là 927 vụ, số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên là 146 vụ, số người chết là 979 người, số người bị thương nặng là 1.892 người, nạn nhân là lao động nữ là 2.771 người.

Tại Bình Dương năm 2019 xảy ra 134 vụ TNLĐ làm 149 người bị nạn trong khu vực có quan hệ lao động, không có vụ TNLĐ nào ở khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó số vụ TNLĐ chết người là 40 vụ, số người chết là 44 người, số người bị thương nặng là 15 người.

Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020 (từ ngày 01 – 31/5/2020) với chủ đề "Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc", người sử dụng lao động và người lao động cần tích cực chủ động thực hiện quyền và trách nhiệm của mình về an toàn vệ sinh lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thị Loan-Trung tâm y tế Phú Giáo

 

 

 

 

 

Tin mới
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 0
  • Tất cả: 0